Thái Thượng Lão Quân - Sư tổ của Khí Công Trường sinh

Theo Tư Mã Thiên tên thật của Thái Thượng Lão Quân là Lý Nhĩ tự là Bá Dương thụy là Đam. Truyền thuyết kể rằng: khi mang thai, cụ thân sinh của Người thường cảm thấy có ngôi sao băng trên bầu trời lồng lộng nhập vào cơ thể.

Khi lọt lòng, mọi người nhìn thấy Người có đôi tai rất to và mấy sợi ria mép bạc trắng, cũng vì vậy mà Người được ông nội đặt tên là Lý Nhĩ, thụy là Đam (Đam là tai to).

Thái Thượng Lão Quân (Lão Tử) được sinh ra vào cuối thời Xuân Thu, chừng trước hoặc sau thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, ở xóm Khúc Nhân, làng Lệ, huyện Khổ, nước Sở (nay thuộc phía bắc sông Qua, trấn Hào Châu, An Huy, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Cha mất lúc mẹ đang mang thai và bà cụ mang thai Người tới mười một tháng, khi sinh rất khó khănẻ Lúc Người chào đời thì cũng là lúc bà mẹ tắt thở. Người được ông nội đặt tên và nuôi dưỡng.

Lúc  còn nhỏ Thái Thượng Lão Quân là một cậu bé ngoan ngoãn, biết giữ chữ tín, thường cảm thông và giúp đỡ những đứa trẻ nhỏ ốm đau khác, hay giúp đỡ bà con chòm xóm, chăm chỉ học hành, làm việc gì cũng chu đáo, được mọi người xung quanh yêu mến.

Vốn có tư chất thông minh lại được học hành, ngay từ khi còn nhỏ, Người hay quan sát những sự việc xung quanh, nhận xét những diễn biến cụ thể của đời thường, phát hiện ra những chân lý trừu tượng, tự rút ra những kết luận, những nguyên tắc trong cuộc sống, về sau đúc rút và quy nạp thành những quy luật. Khi lớn lên và sau này, Thái Thượng Lão Quân đã đi sâu nghiên cứu tự nhiên, vũ trụ, quan sát rất kỹ về xã hội, nhân sinh. Người là nhà minh triết điển hình.

Trước tác của Người để lại cho đời là cuốn “Đạo Đức Kinh”. Bất kỳ một nền tôn giáo nào cũng đều bắt nguồn từ một loại tư tưởng, ở Trung Quốc, vào cuối thời Đông Hán, Đạo giáo ra đời từ Trung Nguyên. Đạo giáo lưu hành thời Đông Tấn, Nam Bắc triều, rất hưng thịnh vào thời Đường, Tống, đến thời Minh, Thanh thì suy. Tuy nhiên cho đến ngày nay, Đạo giáo vẫn còn ảnh hưởng nhất định trong xã hội Trung Quốc. Văn hóa Đạo giáo đã trở thành một bộ phận quan trọng, gắn bó với nền văn hóa truyền thống Trung Quốc. Đạo giáo coi trước tác “Đạo Đức Kinh” với  năm ngàn từ  của Người là kinh điển. Dân gian sùng bái Người là Phật Đà, tôn là thánh nhân. Các tín đồ Đạo giáo gọi Người là Lão Quân, là Thái Thượng Lão Quân. Người là tổ sư sáng lập nên Đạo giáo.

Tư tưởng, học thuyết của Người bao hàm nhiều vấn đề, nhiều học giả Đông phương cũng như Tây phương đều công nhận là Tâm linh đạo học, dành cho những người đi theo con đường huyền học và siêu thoát. Thái Thượng Lão Quân là người đầu tiên trong các triết gia Trung Quốc đã dùng chữ Đạo để chỉ cái nguyên lý tuyệt đối của Vũ trụ đã có từ trước khi khai thiên lập địa, không sinh, không diệt, không tăng, không giảm. Đạo có thể quan niệm dưới hai phương diện: Vô và Hữu. Vô, thì Đạo là nguyên lý của trời đất, nguyên lý vô hình. Hữu, thì Đạo là mẹ sinh ra vạn vật, nguyên lý hữu hình.

Nhân sinh quan của Người là nhân sinh quan động mà không phải là nhân sinh quan tĩnh. Theo Người không có một danh từ nào, không có một ý tưởng nào, cũng không có một sự phán đoán về giá trị nào có thể gọi là tuyệt đối mà tất cả đều là tương đối. Nghĩa là bao giờ cũng có phần ngược lại của nó như: tốt và xấu, thiện và ác, thị và phi, dài và ngắn, cao và thấp. Các cặp tương đối ấy, hay nói cách khác, sự mâu thuẫn ấy luôn luôn nằm sẵn trong mọi sự vật và trong đời sống xã hội, bất cứ lúc nào cũng có thể biểu hiện ra. Người khuyên ta, nếu muốn được Đạo, đừng có nhìn sự vật bằng cặp mắt nhị nguyên chi phân nhĩ ngã, cũng vì nhìn đời bằng cặp mắt nhị nguyên nên gặp phúc thì mừng, gặp họa thì buồn mà không hay răng phúc đấy họa đấy cũng không chừng, hay họa đấy phúc đấy cũng biết đâu. Phúc rồi họa, họa rồi phúc... Sự vật bao giờ cũng phản biến, nghĩa là hễ biến thì biến thành cái đối địch của nó, cho nên được không nên vội mừng, mất không nên vội buồn. Như vậy mới là hiểu được luật phản biến của sự vật trên đời. Có như vậy thì lòng mới thanh thản, bình tĩnh trước mọi biến cố của cuộc đời. Tất cả mọi sự vật hiện tượng đều chứa đựng mâu thuẫn, nhưng những mâu thuẫn đều chỉ là bề mặt, bề trái của thực tại. Những người đã thực hiện được sự huyền đồng (hòa đồng) ở bản thân, hòa hợp được giữa thân và vật, thì cũng sẽ huyền đồng được với tất cả vạn vật bên ngoài, không còn thấy Ta, thấy Người mà nhận thấy tất cả nội ngoại, chủ khách đều là Một cả. Từ đó ta sẽ không còn thấy cái mà ta gọi là ta riêng tư nữa.

Học thuyết của Thái Thượng Lão Quân đã khuyên mọi người nên sống một cách hồn nhiên, không ham muốn, không tranh giành không có sự trói buộc nhau, không có những mưu mô xảo trá để lừa lật nhau, cùng sống với nhau trong sự giản dị, thuần phác tự nhiên. Sự sống của loài người mà được như vậy thì thật là hoàn thiện, hoàn mỹ…

Ngay từ khi còn trẻ, Thái Thượng Lão Quân đã chú ý tới phép dưỡng sinh, Người đã nghiên cứu và chỉ cho chúng ta thấy rằng: phép dưỡng sinh bao gồm trong hai chữ hư và tĩnh. Nếu ta giữ được cực hư, cực tĩnh, xem vạn vật sinh trường, ta thấy được quy luật phản phục. Vạn vật phồn thịnh đều trở về căn nguyên của chúng. Trở về căn nguyên thì tĩnh, tĩnh là bản tính của mọi vật, cho nên trở về căn nguyên gọi là trở về mệnh, trở về mệnh là luật bất biến của vật. Biết luật bất biến thì sáng suốt, không biết luật bất biến thì vọng động mà gây họa. Chữ hư nói ở đây là hư tâm, nghĩa là để cho lòng trống không, vô tri, vô dục. Tâm mà hư thì trừ được hết các mối oán hờn, lo lắng. Tâm hồn sẽ bình thản, thanh tĩnh không tranh giành, không có vọng tưởng. Còn chữ tĩnh, theo Người, tĩnh thì thắng được náo động, thanh tĩnh là chuẩn tắc trong thiên hạ (không còn tư dục mà trầm tĩnh thì thiên hạ sẽ tự ổn định). Hư, tĩnh thì không phí, mà tiết kiệm được tinh thần, trí óc. Có vậy mới sớm biết thuận theo Đạo, sớm thuận theo Đạo thì tích được nhiều đức; tích được nhiều đức thì không gì không khắc phục được mà không gì không khắc phục được thì năng lực của mình không biết tới đâu là cùng. Như vậy là rễ sâu gốc vững, nắm được cái Đạo trường tồn. Theo Người, để lòng hư tĩnh thì mau hiểu được Đạo, trở về với Đạo, đồng nhất với Đạo, mà đồng nhất với Đạo thì sẽ cùng với Đạo trường tồn, như vậy là bất tử. Chúng ta đều hiểu rằng: quả dục, không nóng nảy, không hiếu thắng, không tranh đua, lòng thanh thản thì tâm thần vui và mạnh, mà tâm thần lại ảnh hường nhiều đến thể chất.

Còn cái thân xác của mình, Người khuyên muốn sống lâu thì đừng phụng dưỡng mình quá hậu, tức là đừng hưởng thụ thái quá (những người có thể sống lâu được nhưng lại chết sớm vì họ tự phụng dưỡng quá hậu). Đồng thời phải thường xuyên chuyên tâm luyện khí, luyện tinh, luyện thể (thể xác) để trường thọ bất lão. Người rất chăm chỉ luyện tập hàng ngày, dù mưa nắng, rét, nóng, bận việc thế nào cũng dành thời gian để luyện tập, không bao giờ ăn uống quá độ, ngay cả khi làm Quan cũng vậy. Là tấm gương sáng cho đời trong việc tu tâm dưỡng thể, chuẩn mực trong sinh hoạt, tự chữa trị cho bản thân vượt qua nhiều bệnh hiểm nghèo.

Chính vì thường xuyên tu luyện như vậy mà Người đã tồn tại mạnh khỏe trong giai đoạn vật thể tới 217 năm. Cơ thể mạnh khỏe, cuộc sống thanh thản cân bằng là điều kiện hết sức quan trọng để Người hoàn tất học thuyết vĩ đại và nhiều công trình nghiên cứu về các quy luật vũ trụ.

Từ những kinh nghiệm của bản thân khi luyện tập Người đã xây dựng nên môn pháp Khí công Trường Sinh, giúp hàng triệu người luyện tập mạnh khỏe, khắc phục bệnh tật, kéo dài tuổi thọ. Trải qua biết bao năm tháng, thăng trầm nhưng môn pháp Khí công Trường Sinh vẫn tồn tại tới ngày nay.

Học thuyết của Người không những đã đóng một vai trò quan trọng đặc biệt trong lịch sử văn minh Trung Quốc, mà còn dọn đường cho Phật Giáo đại thừa du nhập vào Trung Hoa và đã xây đắp nền móng cho sự hoàn thành hai hệ thống tư tưởng lớn nhất ở Á Đông, đó là Đạo giáo và giáo phái Thiền Tông. Có nhà nghiên cứu về “Đạo Đức Kinh” đã nhận xét rằng sách Lão Tử không ngớt ảnh hưởng đối với các triết gia Đông phương, dù là các bậc danh nho. Ở Trung Hoa, Nhật Bản từ trước đến giờ, không có một nhà văn lỗi lạc nào, không có một nghệ sĩ xuất chúng nào không có một tư tưởng gia sâu sắc nào mà không chịu ảnh hưởng ít nhiều tư tưởng của Đạo Đức Kinh. Ở Việt Nam, những bậc thi hào danh tiếng như Nguyễn Du, Ôn Như Hầu, Nguyễn Công Trứ, hoặc những Đại Danh Y như Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh đều chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của Lão Tử. Còn những nhà phê bình phương Tây như Rene Bertrand đã quả quyết những dòng chữ họp thành quyển sách ấy (Đạo Đức Kinh) chứa đựng tất cả sự khôn ngoan trên quả đất này. Hoặc theo như E.v. Zenker thì Lão Tử đâu phải chỉ sống cho nước Trung Hoa và thời buổi của Ông mà thôi; Ông là một trong những bậc Thầy thuần tuý nhất và sâu sắc của nhân loại...

Trên đây chi là những dòng sơ lược về một con Người vĩ đại, đã tổng kết nhân loại trên hành tinh  một học thuyết vĩ đại.

Bs Hoàng Trọng Việt
Khí công Trường sinh, NXB Văn hóa -Thông tin, 2008

Post a Comment

0 Comments