Khoa học hít thở

Tại Phương Đông, hít thở được xem như một khoa học. Trung Hoa có Khí công và Ấn Độ có pranayama (điều tức pháp N.D), nhưng thế giới phương Tây cũng chẳng hiểu bằng cách nào năng lượng trong khí quyển được dùng như là một "dưỡng chất" quan trọng cho sức khỏe con người.
Trớ trêu thay, gần đây khoa học phương Tây đã phát hiện nhiều chứng cứ giúp xác minh những ý niệm cổ xưa của Đạo Gia về không khí, hơi thở và sinh năng cũng như những vai trò của chúng trong sức khỏe và trường thọ.
Nguyên tố chủ yếu trong không khí mang điện tích quan trọng không phải là oxygen, hoặc nitrogen, hoặc một chất hóa học thuộc dạng khí nào, mà là ion âm - một mảnh phân tử bé tí, rất tích cực mang một điện tích âm tương đương với điện tích của một electron. Ngược lại, những chất gây ô nhiễm như bụi, khói và hóa chất độc hại thì được sản sinh trong không khí dưới dạng những ion đa phân tử lớn, chậm chạp mang điện tích dương. Trong không khí ô nhiễm, các ion dương chậm lại, bẫy và vô hiệu hóa những ion âm tích cực, do đó lấy đi sinh khí trong không khí. Hít thở thứ không khí đó cũng tựa như ăn những thức ăn tạp nham đầy "calories rỗng". Trong không khí trong lành của vùng quê thì tỉ lệ trung bình của ion âm với ion dương là vào khoảng ba trên một; trong không khí ô nhiễm của thành phố thì tỉ lệ đó giảm xuống đến độ chỉ còn khoảng một ion âm trên 500 ion dương.

Sinh khí của các ion âm trong không khí cũng bị phá hủy bởi máy lạnh, máy sưởi và những không gian khép kín. Từ lâu người ta đã nhận thấy rằng làm việc suốt ngày trong những văn phòng và xưởng sản xuất có gắn máy lạnh hoặc máy sưởi làm cho con người kiệt sức, ngay cả khi họ chỉ ngồi ở bàn giấy hoặc đứng bên dây truyền lắp ráp tự động, trong khi những trại chủ, cũng làm việc bằng chừng đó số giờ, nhưng ở ngoài trời và với công việc nặng nhọc hơn, thì không phải khổ sở bởi cái hội chứng kiệt sức cuối ngày làm việc. Điều đó không phải do công việc làm cho những người trong văn phòng và xí nghiệp kiệt sức, nhưng do thiếu sinh khí trong không khí mà họ cần để hít thở hàng ngày. Tại Nhật Bản, nơi Khí là điều đã được am hiểu, hầu hết những cao ốc văn phòng, xí nghiệp và khách sạn cao tầng giờ đây đã được trang bị những hệ thống phát ion âm nhằm tăng cường ion âm quan trọng đã bị cạn kiệt do hệ thống sưởi, máy lạnh và ô nhiễm. Có lẽ đó là một trong những bí quyết của năng lực sản xuất luôn đứng đầu của Nhật Bản.

Trong tự nhiên, không khí được ion hóa một cách tự nhiên, bởi tác động của sự phát ra các sóng ngắn điện từ mặt trời và những tia vũ trụ khác, bắn phá các phân tử không khí và truyền năng lượng cho những mảnh phân tử. Sự chuyển động và bốc hơi của những vùng nước rộng lớn với những ion hóa tự nhiên là dòng trôi chảy không bị tắc nghẽn của gió bên trong những không gian rộng mở. Như vậy, người ta có thể tìm thấy Khí có tác dụng mạnh ở những độ cao, nơi sự phát quang của mặt trời và các tia vũ trụ là mạnh nhất, nơi gió liên tục thổi, và nước mang hình dạng của những dòng trôi chảy và những hồ rộng. Đó là lý do tại sao bạn cảm thấy như vừa tìm lại sức sống mới sau một ngày sống ở miền núi, ngay cả trước đó bạn phải trải qua một hành trình dài.

Trong những năm đầu của chương trình không gian, người ta thường nhận thấy rằng, tuy sức khỏe và thể lực rất tốt, nhưng các nhà du hành vũ trụ bị kiệt sức chỉ sau ít tiếng ngồi trong khoang tàu vũ trụ, dẫu đã được phóng lên không gian hay chỉ trong giai đoạn huấn luyện trên mặt đất. Điều đó khiến cho các nhà khoa học phải mất một số năm mới tìm ra vấn đề, tuy nhiên nếu tham vấn một môn sinh của Đạo Gia hoặc Yoga Ấn Độ thì họ hẳn có ngay lời giải đáp. Theo một báo cáo của hãng đã chế tạo những máy phát ion âm cho chương trình vũ trụ, được Andre Van Lysebeth trong cuốn sách nổi tiếng bàn về điều tức pháp Pranayama: The Yoga of Breathing, thì:

Do được làm toàn bằng thép nên mỗi khoang tàu vũ trụ là một mẫu lý tưởng của cái lồng Faraday, trong đó ngay cả nhà du hành vũ trụ được huấn luyện chu đáo nhất cũng nhanh chóng có những dấu hiệu của những xáo trộn thể lý, đặc biệt là sự mệt mỏi và sớm kiệt sức. Điều này đã được nhận thấy tương tự tại Nga và được người Nga công khai nhìn nhận. Glenn và Carpenter đã mệt mỏi một cách nhanh chóng, và mệt mỏi, kiệt sức, xáo trộn thể lý cũng là trường hợp của nhà du hành vũ trụ Tivov, đến nỗi ông đã thực sự say không gian chỉ sau sáu vòng bay quanh trái đất.

Khi một không khí vũ trụ nhân tạo chứa nhiều ion âm được tạo ra bên trong khoang tàu vũ trụ với những máy phát ion âm, thì những triệu chứng vừa kể hoàn toàn biến mất, và như thế cho phép các nhà du hành vũ trụ có thể sống trong không gian nhiều ngày, nhiều tuần và ngay cả nhiều tháng. Vì điện là một dạng phổ quát của "sinh năng tự tồn tại" không phụ thuộc vào sự sống, nên những lợi ích về mặt thể  lý của việc đưa những trường điện nhân tạo vào cũng tương tự như những lợi ích từ những trường tự nhiên.

Chính sự phân cực của Âm và Dương làm cho Khí chuyển động. Trong khoa học Phương Tây, sự phân cực đó được gọi là "độ dốc tiềm tàng", nghĩa là sự khác biệt tiềm tàng trong điện áp giữa hai điểm. Trong không gian mở rộng, độ dốc tiềm tàng lên đến vài trăm volt mỗi mét, nhưng trong không khí ô nhiễm và những không gian khép kín thì nó gần như bằng 0. Như vậy, độ dốc tiềm tàng quyết định "sức mạnh" của môi trường - điện tử, và sức mạnh của trường - điện tử quyết định những ion âm tích cực như thế nào bên trong nó và chúng trôi chảy mạnh mẽ như thế nào giữa các điểm. Bản báo cáo được trích dẫn bên trên viết tiếp:

Một điều chắc chắn là có một trường - điện tử tồn tại giữa trái đất và khí quyển. Các trường - điện tử tự nhiên này thường là dương (Dương) đối với đất (Âm), và sức mạnh của nó thường là vài trăm volt trên mét.

Như vậy, độ dốc tiềm tàng là cao hơn ở những nơi như núi, bãi biển, công viên và những không gian thoáng rộng khác, nơi các ion âm trôi chảy một cách tự do từ cực Dương của khí quyển đến cực Âm của trái đất. Mọi sinh vật giữa hai cực đó đều có vai trò như những nơi độ dốc tiềm tàng là vài trăm volt mỗi mét, thì một người cao 2 mét hẳn chịu một độ dốc tiềm tàng là từ 400 đến 500 mét giữa đầu và chân, và điều này làm cho sự trôi chảy tự do của sinh năng được tốt đẹp hơn.

Daniel Reid: Đạo của Sức khỏe, Tình dục và Trường thọ
The Tao of Health, Sex and Longevity

Post a Comment

0 Comments