Khí công quan niệm về Sống và Chết

Sống và chết là hai vấn đề mà nhiều người từ những nhà nghiên cứu đến những người luyện tập, từ các vị hiền triết cao siêu đến người dân bình thường đều quan tâm và tìm cách lý giải về vấn đề này như thế nào. Không phải người ta không muốn sống lâu hay là người ta sợ chết. Chính vì sống người ta cùng chưa hiểu hết mà chết người ta cũng chưa biết rõ.

Sống và chết là quy luật bình thường của con người tồn tại trong thế giới vật chất. Trong giai đoạn tồn tại vật thể, con người sinh ra, lớn lên, già đi rồi đến khi không còn tồn tại trong giai đoan vật thể nữa, có thể người ta bị bệnh, cũng có thể người ta bị hạn họa, nhưng cũng có thể người ta đến một chừng mực nào đó cơ thể suy giảm hẳn, không thể chống chọi và cũng không thể họat động bình thường được nữa, và chấm dứt sự tồn tại ở trong giai đoạn vật thể, chuyển sang giai đoạn bán vật thể. Người ta gọi sự chuyển ấy là “chết”, và phần lớn những con người ở trên trái đất đều nghĩ rằng chết là hết. Nhưng người ta vẫn chưa hiểu được sự chết chỉ là hết của cơ thể con người vật thể mà thôi, tức là cái thể xác tan biến đi. Nhưng còn phần hồn của con người đó như thế nào thì hoàn toàn  ta chưa hiểu, cho nên có thuyết này, có lý khác, có lý thuyết của Phật giáo, có lý thuyết của các giáo phái khác, lại có lý thuyết của Tiên giới.

Vậy chúng ta hiểu như thế nào cho đúng và rõ? Khi con người không tồn tại trong giai đoạn vật thể nữa, phần thể xác sẽ thối rữa và hư biến đi, còn “cái hồn” của con người, (tức là phần bán vật thể) thoát ra khỏi thể xác đã thối rữa. “Cái” bán vật thể của con người đó kèm theo sự tích tụ của hạch tùng của chính con người ấy đi vào trong không gian vũ trụ bao la. cấu trúc của bán vật thể không giống như cấu trúc của thể xác, và vẫn thực tồn, cho nên người ta mới có thể tách phần bán vật thể ra khỏi thể xác khi đang tồn tại để luyện tập là như vậy. Nói một cách cụ thể những người luyện tập thuờng xuyên và được dẫn dắt đến nơi đến chốn thì có thể tách “cái hồn” ra, “cái hồn” vẫn làm việc của “cái hồn”; thể xác vẫn làm việc của thể xác, cái nọ vẫn có thể kiểm soát được cái kia, vẫn có một mối liên hệ chặt chẽ giữa hai thể đó (một bên là bán vật thể và một bên là vật thể) nhưng nó chỉ phụ thuộc vào một con người mà thôi. Tại sao nó chỉ phụ thuộc vào một con người, vì sự tích tụ hạch tùng của con người đó, thể xác của hạch tùng vẫn nằm tại thể xác kia, còn sự tích tụ của hạch tùng thì lại cùng với “cái” bán vật thể ra bên ngoài, chính vì như thế giữa vật thể và bán vật thể của một con người vẫn có mối liên hệ khăng khít với nhau. Từ đấy chúng ta có thể suy ra nhiều điều, con người thường xuyên phải luyện tập cả thể xác lẫn tinh thần; đồng thời phải luyện tập thường xuyên sự tách bán vật thể của mình ra rồi lại cho nó nhập trở lại, làm nhiều lần như thế sẽ quen dần đi và dẫn đến chỗ một con người có thể làm được hai việc, hai việc này hoàn toàn khác nhau và lại bổ sung cho nhau kết quả sẽ khá hơn, tốt hơn, và đặc biệt càng xuất hồn được nhiều thì con người càng gần đến chỗ cực hư, cực tĩnh, càng đi đến chỗ giác ngộ sâu sắc. Điều này  có thể khó hiểu với nhiều người.

Khi một người chết đi, con người bán vật thể sẽ mang theo những kết tụ ở hạch tùng của người đó ra khỏi thể xác đã hư biến. Qua nghiên cứu lâu dài, rồi kiểm tra những mối quan hệ khác nhau trong mọi điều kiện, người ta thấy rằng hạch tùng của một người đã chết, khi ra khỏi cơ thể thì vẫn tồn tại và nhận biết được những thông tin của những người đang sống mà người chết có quan hệ trước khi chết. Vì thế mới có chuyện đi tìm hồn, gọi hồn, tìm người nhà, người thân đã chết... Đó là sự lưu lại ở hạch tùng của con người đã chết còn tồn tại. Nếu ai có khả năng liên hệ và nắm bắt được những thông tin từ những hạch tùng của người đã chết ấy vào hạch tùng của mình, sẽ trở thành sự giao lưu thường xuyên và người ta gọi là hiện tượng thông linh. Đó là sự tồn tại của con người đã chết (phần vật thể của hạch tùng tuy đã hư biến cùng với thể xác, nhưng cái hồn của con người ấy và sự tích tụ của hạch tùng vẫn tồn tại...).

Theo quan niệm của môn Khí công Trường sinh sau khi chuyển sang giai đoạn bán vật thể, thì quần thể bán vật thể của con người được phân làm ba loại:

- Phần lớn đều sống trong quần thể bán vật thể, không có nhu cầu ăn uống, sinh sản, sự tồn tại bình ổn vì không có nhu cầu vật chất (những người này là những người không có tội ác không có hận thù, không tham lam...).

- Một số những người khi đang ở giai đoạn vật thể có tội ác, làm điều xấu phương hại đến cộng đồng, hận thù, độc ác, tham lam đều phải làm lại từ đầu của một kiếp người, nhưng không phải là quay lại sống  cuộc đời vật thể (có người nói rằng đi giáo huấn, phải có người quản thúc). Không hẳn là như vậy vì không phải là sự tù đầy, nhưng việc làm lại cả một kiếp người phải có người chỉ bảo hướng dẫn cũng gian nan vất vả (khi nào trút bỏ được hận thù, độc ác... thì sẽ trở lại với quần thể bán vật thể nói ở trên).

- Số người khác trong khi sống ở giai đoạn vật thể không làm điều ác, không có hận thù, sống cuộc đời lương thiện, hướng đức, vì hạnh phúc của cộng đồng nhất là được học tập giác ngộ, chuyên tâm tu luyện, thì khi chuyển sang giai đoạn bán vật thể thường được tiếp tục học tập (nhiều lĩnh vực, tùy theo khả năng của từng người), trong giai đoạn bán vật thể việc học tập và tiếp thu rất nhanh. Thông thường những người này lại giúp ích nhiều cho cộng đồng vật thể (những người đang sống trên trái đất).


Vậv thì chỗ nào là hơn, chỗ nào là kém.  Trong khi tồn tại vật thể người ta coi vật chất là quan trọng hơn. Nhưng người ta không biết rằng, khi chuyến sang tồn tại trong giai đoạn bán vật thể, nếu trước đó khi còn đang tồn tại trong giai đoan vật thể mà biết sống tốt, hướng thiện, hướng đức, tích cực luyện tập cơ thể khỏe mạnh, thì khi sang giai đoạn bán vật thể không phải làm lại cả một kiếp người, rất vất vả nhất là những người có những sai lầm, tội lỗi, sống buông thả phi đạo đức, thì càng vất vả hơn... Vì vậy khi đang tồn tại trong giai đoạn vật thể nên hướng vào giai đoạn sau này (giai đoạn bán vật thể). Như vậy, sống phải giữ gìn khỏe  mạnh, tinh thần luôn luôn trong sáng, đạo đức nhân cách phải Ịuôn luôn được tu luyện; giữ gìn làm sao đừng để khi chuyển sang giai đoạn bán vật thể thì “cái” bán vật thể ấy phải làm lại từ đầu; tất cả những gì con người đã làm trước đây, không đúng đắn kém cỏi độc ác, thì bây giờ phải làm lại để cho thay đổi được những điều đó, con người lúc đó phải làm lại “cái đức tính”, “cái nhân cách” trước đây đã không tốt, bây giờ phải làm cho tốt, có thế thôi chứ không có chuyện tù tội hoặc làm cái này cái khác. Còn tất nhiên đi vào việc thay đổi những việc đó không phải tự mình mà phải có người hướng dẫn, phải có người dẫn dắt mới thành công được và khi đã thành công rồi thì con người lại trở về xã hội bán vật thể với quần thể bán vật thể, không có gì khác cả. Còn việc đầu thai trở lại thì phụ thuộc nhiều yếu tố, nhiều điều kiện, không phải ai cũng làm như thế.

Ngoài ra có những người khi chuyển sang giai đoạn bán vật thể lại là lúc giúp cho đời nhiều nhất (đây là điều đặc biệt không đề cập ở đây). Cũng nên biết rằng có những người đang tồn tại trong giai đoạn vật thể được học tập đạt kết quả hoặc do một sự tự phát có thể thông linh với những tồn tại bán vật thể. (Thông thường những người tự phát có được khả năng thông linh, thì khả năng đó không bền vững)

Vì chỉ là sự tác động về tâm lý, về tinh thần, về nhận thức, hoặc là sự tác động của những bán vật thể vào con người vật thể cũng vậy, không phải bằng hành động giống như những người vật thể đánh nhau... Từ đây ta có thể hiểu rằng những điều mà con người thường đặt ra như lễ bái, đốt vàng  mã cầu người này, xin người kia để được của cải vật chất hoặc để hại người khác thì đều không có... 

Bs Hoàng Trọng Việt
Khí công Trường sinh, NXB Văn hóa -Thông tin, 2008

Post a Comment

0 Comments