Bốn giai đoạn kiểm soát hít thở

Hầu hết các bài điều tức pháp của Đạo Gia đều được thực hành qua bốn giai đoạn rõ rệt: hít vào, nín hơi, thở ra, tạm nghỉ. 

Điều quan trọng là phải thực hành từng giai đoạn một cách chính xác và nối kết chúng một cách chính xác và nối kết chúng một cách dịu dàng; vì vậy chúng ta cần phải biết rõ chi tiết của mỗi giai đoạn.

HÍT VÀO

Sau khi đã chọn tư thế, với bụng thư giãn, hai vai buông lỏng và cột sống thẳng tắp, hãy trút sạch hoàn toàn hai phổi của bạn bằng cách cố thở hết ra trong một hơi dài và co thắt mạnh thành bụng. Sau đó, hãy để bụng thư giãn trở lại và bắt đầu hít một hơi chầm chậm qua hai lỗ mũi đã phồng ra, dẫn không khí sâu vào đáy của hai lá phổi bằng cách giãn nở cơ hoành xuống phía dưới và để bụng phình ra. Khi phần dưới của hai phổi đã đầy, tiếp tục hít vào một cách dịu dàng và để cho lồng ngực nở ra nhằm làm cho không khí vào đầy phổi giữa, tiếp đó hít vào đôi chút để làm đầy đỉnh của hai phổi. Không cần thiết phải làm đầy hoàn toàn hai phổi ở mỗi lần hít vào, và bạn không nên cố hít vào thái quá. Làm đầy khoảng hai phần ba dung lượng của phổi là một mức độ hợp lý cho một lần hít vào.

Bước cuối trong hít vào là đưa "bọt sinh năng" lớn của hơi thở xuống hốc bụng một cách dịu dàng. Điều này khiến bụng phình ra.

NÍN THỞ

Khi được thực hiện một cách đúng đắn, thì ngay cả một sự nín hơi ngắn cũng mang đến những lợi ích có tính trị liệu sâu sắc cho mọi cơ quan, tuyến và hệ chức năng trong cơ thể.

Đạo gia gọi sự nín thở là "thở trong bụng mẹ" (thai khí) vì phổi không chuyển động. Trong biệt ngữ khoa học phương Tây thì điều đó được gọi là "phản ứng lặn" hay "hô hấp tế bào". Trong bụng mẹ, thai nhi nhận ôxy và sinh năng trực tiếp qua dây rốn chứ không qua phổi, và do đó mọi hô hấp của thai nhi chỉ diễn ra ở cấp tế bào mà thôi. Cái điều diễn ra bên trong cơ thể trong khi nín thở là phức tạp, tinh tế và có tầm quan trọng chính yếu đối với hiệu năng của những bài điều tức pháp. Nhịp tim chậm lại hơn phân nửa, huyết áp giảm xuống đáng kể, và hô hấp tế bào được khởi động một cách tự động. Tế bào trong toàn cơ thể bắt đầu tự chúng "hô hấp", phá hủy đường để thải ra ôxy và tự động bài tiết những chất thải tế bào vào máu để đào thải. Cái nóng ran và sự toát mồ hôi mà bạn trải nghiệm sau 10-15 phút thực hành hít thở sâu là kết quả trực tiếp của hô hấp tế bào đã được tăng tiến.

Tự nhiên đã trang bị cho loài người cái cơ chế "phản ứng lặn" tương tự như loài hải cẩu, nhưng văn minh đã làm cho cái phản ứng mang lại sự tươi trẻ này thoái hóa. Tuy vậy, trẻ con vẫn giữ được cái phản ứng đó khi còn nhỏ, và chứng cứ cho điều đó là những câu chuyện về những đứa bé 5 tuổi bị rơi xuống những dòng sông giá lạnh trong gần đến 2 tiếng đồng hồ, sau đó được cứu và hồi sinh, với não không bị tổn thương. Với luyện tập đầy đủ, người lớn cũng có thể phục hồi cái cơ chế đó. Tuy vậy, ta không nên thực hành việc nín thở kéo dài trừ khi có hướng dẫn của một người thầy am tường và sau nhiều năm thực hành điều tức pháp. Với những mục đích mà chúng ta đang theo đuổi thì những lần nín thở từ 3 đến 10 giây là đủ, và chúng ta có thể thực hành một mình một cách an toàn, không cần phải có sự chỉ dẫn đặc biệt của một bậc thầy. Đẩy mạnh hô hấp tế bào là mục tiêu hàng đầu của nín thở, nhưng ngoài ra nó cũng có những mục tiêu khác. Trong phổi, sự nín thở làm cho máu được trù phú hơn với ôxy phụ trội và tẩy uế ra khỏi máu lượng carbon dioxide đã có do kéo dài thời gian trao đổi khí. Trong các mô, sự nín thở làm gia tăng sức ép của  ôxy lên thành các mao mạch, và như thế cải thiện sự trao đổi khí giữa máu và các tế bào.

Hô hấp tế bào phát ra thân nhiệt. Sức nóng này trước tiên được nhận thấy ở bụng dưới, sau đó chậm rãi lan tỏa đến những bộ phận xa nhất của cơ thể con người, và thường gây đổ mồ hôi, ngay cả trong ngày mùa đông giá rét. Sức nóng đó đến từ đâu? Nó tỏa ra từ "cái vạc" của mỗi tế bào đó vào khí Hải bằng một bài điều tức pháp rất phức tạp gọi là tummo - yoga, "Lửa trong bụng". Để trắc nghiệm sự thành công trong môn yoga này, các môn sinh phải trải qua thử thách sau: họ phải ngồi trần trụi cạnh một cái hồ băng giá vào giữa mùa đông, trong khi những người tham dự nhúng chăn mềm vào nước băng giá qua một cái lỗ của băng tuyết. Chăn mềm sau đó được phủ lên cơ thể của môn sinh, và môn sinh phải lần lượt làm khô chúng với sức nóng  phát ra tam muội  từ bên trong . Điều này tiếp tục liên tục cho đến khi một số chăn mềm cá biệt đã được làm khô.

Năm 1966, Liên Xô mời pháp sư của Thủ tướng Nehru là Swami Brahmachari sang Moscow để huấn luyện các nhà du hành vũ trụ Xô Viết phương pháp hít thở sâu, nhằm chuẩn bị cho những chuyến bay dài ngày trong không gian. Cái sự việc này không thôi cũng đủ để cho thấy người Nga đã xem vấn đề đó là quan trọng đến thế nào. Swami đến Moscow vào giữa mùa đông, chỉ mặc sơ mi và choàng một cái áo bằng vải bông, trong khi những người ra đón ông thì trùm kín người bằng nhiều lớp áo, đầu đội mũ lông thú. E ngại cho sức khỏe của Swami, họ mang ngay đến cho ông một cái áo khoác, nhưng Swami lễ phép từ chối và nói, "Tôi có thể tạo ra sức nóng phù hợp với nhu cầu của tôi". Bí quyết của ông là: kiểm soát hơi thở và hô hấp tế bào.

Khi bạn nín thở, carbon dioxide trong máu dâng cao, và điều đó tự động ra hiệu cho trung tâm hô hấp trong não làm cho phổi nhả hơi ra. Vào lúc đó, người thực hành điều tức pháp áp đặt ý chí của mình lên phản xạ hơi thở ra, và mỗi lần làm như thế, ông ta tăng cường sự kiểm soát có chủ ý đối với hít thở. Bước kế tiếp trong "nội đan" của kiểm soát hơi thở thì xuất hiện một cách tự phát: sự kích thích của các thần kinh phổi, dạ dày, "hệ thần kinh đối giao cảm".

Hệ thần kinh tự chủ có hai nhánh: giao cảm và đối giao cảm. Hệ thần kinh giao cảm chạy xuống cột sống và hợp thành một mạch "động" của cơ thể: chúng gia tăng xung lực, kích thích adrenalin và làm tăng hô hấp nhằm chuẩn bị cho hoạt động thể lý, đồng thời ngăn chặn sự tiêu hóa, thải loại và những chức năng cơ bản khác. Nhánh đối giao cảm gồm những thần kinh phổi dạ dày. Chúng cũng chạy xuống cột sống và kiểm soát những chức năng trọng yếu như tiêu hóa, sự nhu động, thải loại và chuyển hóa. Khi nhánh này được kích động, thì những "động" đóng lại và toàn bộ cơ thể dịu xuống.

Hệ thần kinh giao cảm và các thần kinh phổi dạ dày có tính đối kháng nhau. Hệ thần kinh giao cảm thì kích thích các hoạt động thể lý và tâm trí điều khiển những chức năng quan trọng cơ bản, trong khi các thần kinh phổi dạ dày thì làm dịu cơ thể và tâm trí, đồng thời kích thích các chức năng cơ bản. Những lối sống hiện đại tại các đô thị gây ra sự kích thích mãn tính bệnh lý mà y học Trung Hoa gọi là "thừa hỏa" và y học phương Tây gọi là "hội chứng căng thần kinh giao cảm", với những triệu chứng bao gồm kích thích thần kinh, stress mãn tính, hồi hộp, táo bón, khó tiêu, khô miệng và yếu sinh lý. Có bao nhiêu triệu chứng mà bạn đã cho là điều dĩ nhiên trong cuộc sống đời thường của bạn?

Hít thở sâu tái lập sự cân bằng tự nhiên giữa nhánh giao cảm và nhánh phổi dạ dày của hệ thần kinh, và điều này làm cho hít thở trở thành một hình thức rất hữu hiệu của liệu pháp phòng chống stress liên tục, sự căng thẳng và các chứng bệnh mà những cư dân của các đô thị náo nhiệt trên thế giới thường gặp.

Những thử nghiệm y học gần đây tại Trung Hoa cho thấy chỉ cần 15 phút thực hành hít thở sâu cũng đủ để cơ thể tiết ra nhiều pepsin, một enzyme phân hóa của protein, cũng như những dịch tiêu hóa quan trọng khác, và điều đó tăng cường sự nhu động trên toàn đường ruột. Hiệu quả này xuất hiện trong giai đoạn nín hơi và làm cho sự hít thở trở thành một phương thuốc tuyệt vời để chữa trị táo bón, khó tiêu cùng những chứng bệnh tiêu hóa khác.

 Tuy vậy, bạn nhớ không nên nín hơi quá khả năng tự nhiên. Hãy thực hành với những lần nín hơi trung bình từ 3 đến 5 giây, và sau vài tháng đều đặn thực hành, bạn có thể thỉnh thoảng thử một vài lần nín hơi từ 7 đến 10 giây, nhưng không vượt quá thời hạn đó nếu không được giám sát bởi một người thầy am tường. Hơn thế nữa, hãy ghi nhớ rằng không phải độ dài của thời gian hoặc khối lượng hơi thở được giữ trong phổi tạo ra nhiều điều thần kỳ trong trị bệnh, mà là sự đều đặn nhịp nhàng của toàn bộ tiến trình hít thở, cũng như ba kỹ thuật chủ yếu có liên quan đến giai đoạn nín hơi ngắn ngủi.

THỞ RA

Trong những điều tức pháp của Đạo gia thì thở ra là quan trọng hơn hít vào. Thở ngực cạn để lại một lượng cặn thường xuyên của không khí tụ đọng và những độc tố ở dưới sâu bên trong hai lá phổi, và ta phải trút sạch thứ đó nhằm chứa đầy phổi bằng không khí trong lành.

Khi bạn cảm thấy đã đến lúc thở ra, thì bước đầu tiên là  thư giãn. Sau đó, một cách từ tốn, hầu như không thể cảm nhận, hãy bắt đầu thở ra một cách dịu dàng qua mũi hoặc miệng, giữ lưỡi áp vào vòm miệng, trong khi dần gia tăng lực (chứ không phải tốc độ) của sự thở ra cho đến khi thiết lập được một luồng hơi mạnh và đều. Hãy trút sạch phổi theo chiều ngược với hít vào: bắt đầu tại đỉnh và kết thúc ở đáy. Ở cuối hơi thở ra, kéo toàn bộ thành bụng vào phía trong nhằm đẩy cơ hoành lên phía trên, vào ngực và như thế tống xuất những tồn đọng cuối cùng của không khí từ hai phổi dưới. Sự co thắt cuối cùng này của bụng cũng nén các nội tạng và làm chúng tuôn ra lượng máu thặng dư đã được bơm vào khi không khí được hít vào. Cuối cùng, hãy để thành bụng thư giãn và các nội tạng rơi vào đúng chỗ trong khi vẫn chưa hít vào.

Nếu hơi thở có khuynh hướng bật ào ra thì có nghĩa là bạn đã giữ hơi quá lâu.

Trong thời tiết khô, lạnh thì thở ra phải luôn được thực hiện bằng mũi nhằm cung cấp thêm sức nóng và hơi ẩm nhận từ những tua-bin ở mũi, trên đường vào của hơi thở. Nhưng, trong những khí hậu nóng và ẩm thì bạn nên thở ra bằng miệng vì điều này tăng cường những tống xuất các độc tố, giúp đào thải nhiều hơn không khí trong phổi và giúp xua tan sức nóng thặng dư trong cơ thể. Bằng cách giữ lưỡi áp vào vòm miệng, những dòng không khí tuôn ra ngoài ngang qua miệng được điều chỉnh, giúp cho thở ra đều và chậm được dễ dàng hơn.

TẠM NGƯNG

Khi hai phổi đã hoàn toàn trống trơn, hãy chặn cổ họng bằng cách khép thanh môn lại giúp không khí không tuôn ngược vào khoảng trống trong phổi bạn. Giờ đây, hãy ngưng nghỉ trong vài giây để cho thành bụng và cơ hoành một lần nữa thư giãn. Sau đó, từ tốn bắt đầu hơi hít vào qua mũi. Nếu bạn phải hổn hển khi hít vào thì như thế bạn đã ngưng nghỉ quá lâu.

Daniel Reid: Đạo của Sức khỏe, Tình dục và Trường thọ
The Tao of Health, Sex and Longevity

Post a Comment

0 Comments